Cải lương Hồ Quảng
Cải lương là một lối hát tuồng cách tân, được phát triển vào đầu thế kỉ 20 tại miền Nam Việt Nam, kết hợp giữa đối thoại bằng giọng bình thường với những lời ca theo những điệu truyền thống miền Nam, trong đó chủ yếu là vọng cổ.
Cải lương Hồ Quảng, hiện nay, để kỵ húy thì gọi là cải lương tuồng cổ, cũng là cải lương, nhưng tuồng tích dựa vào những tuồng cổ, mà thường là tuồng cổ Trung Hoa.
Theo mình, gọi cải lương Hồ Quảng là cải lương tuồng cổ chỉ là 1 cách tránh né của các đoàn Hồ Quảng. Không phải tuồng cải lương ”cổ trang” nào cũng là cải lương Hồ Quảng. Những tuồng như Áo cưới trước cổng chùa, Mùa thu trên Bạch Mã Sơn… hay thậm chí là Tiếng trống Mê Linh, Thái hậu Dương Vân Nga đều không phải là cải lương Hồ Quảng. Cùng là Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, nhưng nếu xem tuồng của NS Minh Vương, Thanh Kim Huệ thì sẽ hoàn toàn khác với version Hồ Quảng của NS Vũ Linh, Tài Linh.
Vì thế, cải lương nên chia thành 3 nhánh, cải lương xã hội, cải lương tuồng cổ (giả sử) và cải lương Hồ Quảng
Quá trình hình thành của Cải lương Hồ Quảng
Cải lương Hồ Quảng là một loại hình nghệ thuật phối hợp giữa ba nghệ thuật: cải lương, tuồng kịch Bắc Kinh và tuồng kịch Quảng Ðông. Cuối thập niên 1940 sang đầu thập niên 1950, những nghệ sĩ như Phùng Há, Cao Long Ngà (bà ngoại của NS Phượng Mai), Năm Phỉ (chị NS Bảy Nam) có dịp sang Quảng Ðông học hỏi “vũ đạo” của các nghệ sĩ tuồng kịch truyền thống ở đây. Các nghệ sĩ này khi về nước, đem áp dụng “vũ đạo” này trên sân khấu, đạt được nhiều thành công.
Giữa thập niên 1950 sang đầu thập niên 1960, các nghệ sĩ Khánh Hồng, Bảy Huỳnh và Minh Tơ lần mò vào Chợ Lớn, tìm đến những gánh hát người Hoa, mua lại một số trang phục sân khấu của họ. Những trang phục này rất rực rỡ, mặc vào, lên sân khấu là đào, kép nổi bật, làm cho sân khấu cũng rực rỡ theo. Những nghệ sĩ này cũng học hỏi từ các gánh hát người Hoa nhịp điệu trống, bắt nguồn từ cách diễn tuồng của phái Bắc Kinh. Tiếng trống rộn rã giúp cho buổi trình diễn thêm tưng bừng náo nhiệt. Tiếng trống còn có tác dụng thay đổi tâm tình khách xem trình diễn, tùy theo nhịp điệu nhanh, chậm, cách ngắt quãng của nó. Các nghệ sĩ cũng học một số cách hát theo điệu Quảng Ðông.
Trở về sân khấu Việt Nam, các nghệ sĩ Khánh Hồng, Bảy Huỳnh, Minh Tơ pha điệu hát Hồ Quảng vào các tuồng cải lương. Về sau, khi khán giả có vẻ chấp nhận, cải lương Hồ Quảng trở thành một bộ môn riêng, với nhịp trống, điệu hát và y trang Bắc Kinh, Quảng Ðông, phối hợp với cách hát cải lương và ca vọng cổ.
Những năm 1961, 1962, 1963, phim Đài Loan tràn ngập thị trường phim Việt Nam, khởi đầu là phim Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, một truyện tình sử lấy nước mắt của không biết bao nhiêu là khán giả Việt Nam. Nhạc sĩ Đức Phú, em của nghệ sĩ Minh Tơ, đoàn hát Vĩnh Xuân Bầu Thắng lấy nhạc Đài Loan trong phim Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, viết lời Việt, dùng trong tuồng Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài do anh sáng tác và thủ diễn vai chánh, hát với nữ nghệ sĩ Bo Bo Hoàng trong vai Chúc Anh Đài. Gánh hát Vĩnh Xuân Ban – Bầu Thắng hát tuồng Lương Sơn Bá có ca nhạc Đài Loan như trong phim nên thu hút khán giả với một con số kỷ lục.
Đoàn hát Thanh Bình – Kim Mai 1 (sau là đoàn Huỳnh Long) có hai nhạc sĩ Tàu là Há Thầu và chú Long cũng ghi âm nhạc Đài Loan dùng trong tuồng hát cho đoàn Huỳnh Long. Há Thầu đặt tên các bài nhạc đó là Hoàng Mai 5, Hoàng Mai 15, Ly Hận, Chiêu Quân Hội…
Các đoàn hát cải lương Hồ Quảng thu hút khán giả nghẹt rạp, các hãng dĩa cũng thu thanh và phát hành dĩa hát Hồ quảng, đài truyền hình Saigon cũng có những Ban hát Hồ Quảng như Ban Khánh Hồng, Ban Minh Tơ, Ban Huỳnh Long, Ban Vân Kiều, tất cả tạo thành một phong trào hát cải lương Hồ Quảng ngày một phát triển và được khán giả ưa thích.
Cải lương Hồ Quảng có nhiều ưu thế trên sân khấu. Về y trang rực rỡ và cách diễn bằng “biểu tượng” thì không thua gì hát bội, nhưng hát bội lại khó nghe, khó hiểu, trong khi đào kép trong cải lương Hồ Quảng thì nói ít, diễn nhiều, khi hát thì hát theo lối vọng cổ và một số làn điệu của cải lương rất dễ nghe, có hát theo điệu Quảng Ðông thì điệu ấy nghe cũng lọt tai. Ðặc biệt, cải lương Hồ Quảng lại có “vũ đạo,” tức là cách đưa tay, đá chân theo nhịp điệu như múa, mà là múa võ, nên gây hào hứng trên sân khấu.
Cải lương Hồ Quảng vẫn mang bản sắc Việt
Ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc đến văn hóa Việt Nam là điều không cần phải bàn cải. Tuy nhiên, cần phải ghi nhận rằng, là khi các truyện, tích của Trung Quốc được các văn sĩ, thi sĩ, nghệ sĩ Việt Nam thuật lại hay diễn lại, nó mang tính chất nghệ thuật rất độc đáo của Việt Nam, mà truyện, tích khi ấy chỉ là cái cơ hội để người nghệ sĩ Việt Nam diễn tả cái hay, cái đẹp, cái tuyệt diệu của ngôn ngữ, ý tưởng, tâm tình Việt Nam. Nguyễn Du kể chuyện đời một cô tên Vương Thúy Kiều ở Trung Quốc, mà người đọc luôn luôn có cảm giác cô là người Việt Nam. Những nhân vật phụ còn nổi tiếng hơn, Hoạn Thư, Sở Khanh, Mã Giám Sinh, Bùi Kiệm… Chuyện này cũng xảy ra (tuy với mức độ thấp hơn) nơi các nghệ sĩ Việt Nam diễn tuồng cải lương Hồ Quảng.
Tóm lại, Cải lương Hồ Quảng là một bộ môn nghệ thuật sân khấu Việt Nam có một nguồn gốc khác phức tạp: cải lương, hát bội, sân khấu Bắc Kinh, sân khấu Quảng Ðông, nhạc Việt Nam truyền thống, nhạc Ðài Loan, võ thuật Bắc Phái… Tuy nhiên, qua cách trình diễn của các nghệ sĩ Việt Nam, tất cả các loại hình nghệ thuật này phối hợp nhuần nhuyễn với nhau, tạo thành một sắc thái riêng. Khán giả thưởng thức một vở tuồng diễn theo lối cải lương Hồ Quảng nhìn thấy ngay là nó rất Việt Nam, không lẫn với ca kịch Trung Hoa được. Ðó là cái tài của người nghệ sĩ, mà đó cũng là cái đặc thù của văn hóa Việt Nam, đón nhận cái của người, nhưng biến hóa nó, thăng tiến nó để nó hay hơn, đẹp hơn mà lại có tính chất Việt Nam.
MỘT SỐ ĐIỆU HÒ QUẢNG NỔI TIẾNG
1. Bạch Mai khúc
Chàng vui đời trai, thiếp tương lai lịm dần từ đây. Cầu mong người xưa như ánh dương quang tạo ngàn vầng hồng. Ngày tàn binh biến, nhạc hùng ca, rợp trời hoa, ngàn lời vui, chỉ riêng em lệ rơi.
Làm sao dâng em nỗi lòng, đừng phai tan má hồng. Hoàng huynh tâm ghi chữ đồng, Học Nhi dáng kiêu sa, mong trao em duyên thắm mà từ lâu, người thầm mơ, vẹn hồn thơ...lý đâu ta đành sao?
Gào vang trời cao thấu cho tôi muôn vạn dòng sầu, hồng nhan nghiệt oan vương kiếp đa mang vương lụy tình đầu. Trường sa gió lốc vùi đời trai không còn ngày mai gọi tình ai, tái lai xin đừng mong.
(trích Rượu tình)
2. Trường khúc
Vì hiềm thù riêng, lòng người tà tâm, còn nhiều hờn căm, mới gây sai lầm. Đời con oan thác, ta thề không tha ác gian.
Quỳ giữa kim trào, van xin thánh minh hãy nên thương tình truy tìm kẻ gian.
Thương cho đời Dương lang, kiên tâm gìn trung can, nhưng nay lìa dương gian, thiên nhan ngài xót thương đem tà gian pháp trừ phân thây.
Thiên Ba lầu xưa nay, luôn luôn gìn tâm ngay, ai gây bày chua cay. Câu nhân tình đổi thay cho hùng anh vướng điều không may.
Cầu khẩn với thiên nhan nên xét cho tôi trung thần... ...Chồng thiếp đã hi sinh nơi đất Phiên cam chôn mình. Quá đớn đau xót dạ... ...Vì ai chia cách nhau... Hoàng gia là minh chúa, dùm truy ra kẻ gian.
Ngày trước đã lỡ duyên nên oán xưa luôn ghi lòng...gào thét với thiên nhan ban đức ân nơi cung rồng. Cho oán hờn tiêu tan...mới siêu hồn oan.
(trích Dương Gia Tướng)
3. Tống liên chi
Đừng nên tranh hùng nữa... Quang Minh đỉnh vui giao tình... Gắng sức chung lòng, xua đuổi quân Nguyên tràn sang.
Người từ đâu đến... tài gì cản ngăn.
Cần lui giữ thân bình an.
Tăng Ngưu vốn tên tôi... Lòng muốn khuyên vài câu.
Đừng liều nguy vong... Làm sao thắng bao nhiêu hùng anh.
Dù tan thây nào tiếc... Yên tâm cháu thơ tranh tài... Hỡi các anh hùng, Minh Giáo chính ta chờ đây.
Tài vì khiêu khích, mị tà khoe khoang, chờ ta với mi tranh hùng nhau.
Xin Sư Thái quang lâm.. Nào dám so tài nhau.
Nhiều lời vô ích... Này xem Ỷ Thiên gươm dọc ngang...
(trích Đồ Long Ỷ Thiên Kiếm)
4. Cánh nhạn minh tâm
Thầm trách sao khanh dối vua tà tâm, cung son đượm thảm, lỡ làng từ đây. Hết mong chi sum vầy, Liễu nương ơi sao đành. Lòng yêu khanh chẳng phai, đành gieo bao đắng cay. Chán chê dáng hoa, thướt tha thốt ra ước mơ cùng ta ngàn câu tha thiết, mà nay quên bỏ sao, đời vương gia xót đau. Ôi nuốt lệ nghẹn ngào, ân tình lìa xa.
Gào thét ơn trên chứng minh lòng son, phong ba trào dâng phủ vào đời con. Nỗi oan kêu thấu trời, nói… nói không nên lời.
Phiền Bao khanh hãy xem, hoàng cung nay tối đen. Liễu nương dã tâm, đổi thay trúc mai nỡ gieo đắng cay hoàng gia đau đớn. Nhờ Bao khanh xử phân, người quên đi nghĩa nhân.
Quân… hãy đưa Tứ Hùng đến liền cung son.
(trích Vụ án Hồng Phi)
5. Liên hoàn kế/ trường khúc đuôi
Nguyện cầu…ngày vững an, lo ngai vàng âu ca chứa chang. Thôi hết rồi tơ loan trái ngang, tên Huyền Sương cách xa dương gian, ngàn thuở mang ân tình. Thương trẻ khờ côi cút tháng năm cung đình, lẻ loi một mình, mẹ hiền ở đâu.
Thương nàng… đành thảm tai, ai đổi dùm cho ta bửu ngai, xin cứu dùm nàng chiêu dương đắng cay. Sao trời cao chẳng thương uyên ương, đành rẽ duyên can thường. Ta kêu rào bi thiết gió giông ba đào, phủ giăng bao trùm, đôi mình có nhau.
Đừng đừng quân vương nên nén sầu bi thương, chớ xem thường ngôi báo cung đường, dằn lòng suy nghĩ tận tường, muôn nhà vui no ấm chỉ do hoàng vương.
Lệ thắm quân vương, ghi dấu đoạn tình trường, dương trần tan nát tình lứa đôi kiếp sau tương phùng.. ơ a ơ à.........à
(trích Hoàng hậu không đầu)
6. Hoàng mai trả ngọc
ah... tui chẳng biết gì mà phải nói …rượu độc này nào phải của tui ..ah..thôi thôi thôi tui biết rồi mà ..bà..bà, (hát)…
Tâm ghen ghét cao dài hồng phước bang, sắc quý phi diễm kiều chẳng ai sánh bằng ..được nhà vua ái yêu chân thật chẳng hai lòng..nên bà ghen..muốn giết tui rồi bỏ thuốc trong tửu đào.
Tâm gian trá lọc lừa lời hiểm sâu, đổ oán ai gia ganh tỵ giết mi đoạt tình, khai nguồn cơ trắng đen mưu sâu độc kế thâm ai bài ...còn dối gian nát..hồn...tan..thây ..nàng..mau ..khai..hết ..đi…
Ngươi như sói như lang rừng sâu…tánh hung hăng toan chờ hại người...đừng hại ta nát cánh đào mai…quân vuông ơi..cứu thiếp thần..chung nương lòng ác..toan giết thần...bệ hạ ơi cứu thiếp thần..chung vô diệm muốn thuốc thần thiếp nè ...
Ác phụ đa ngôn ..khẩu xà hổ tánh ..hại nhân nhân hại ...ta sẽ cho mi nếm mùi độc tửu của mi ....
Bệ hạ ơi cứu thần thiếp ...ah....
Uống....
Ahhhhhh......chết tui rồi ....ụa....(hát) duyên kim cải hết rồi chờ kiếp sau, thiếp mới mong sum hiệp trúc mai hòa ...ôi quặng đau tứ chi gan ruột thắt như bào ....trời..như..chuyển xoay quay cuồng không gian ...nghẹn hơi ...máu tuôn ....ụa....b.ệ...h.ạ....thiếp x..a....thế gian ....ụa..
(trích Chung VôDiệm)
7. Hoàng mai long thanh
Chim rừng líu lo, cảnh thơ mộng quá, đôi lời thăm hỏi... đường... đi đến ngôi... trường. Mắt nhìn hai lối, khó mong thông đường, xin người chỉ giúp dùm cho.... xin chỉ dùm cho.
Đây miền nam, núi chập trùng, mà người đời đặt tên là Nam Sơn, nhiều lối đi lên, đến ngôi trường, ngôi trường gần đây cách hai đèo, trường ta là nơi hướng đi sơn đèo.
Đa tạ.... Vui thay, thích thay, tuổi xuân thì, nấu xử sôi kinh, chí ta chung cùng, xin cho biết tên, mình cùng quen nhau... buổi ban đầu, suối hát thông reo một lòng.. đều một lòng... rằng mong biết tên huynh đài.
Nhà có dư hàng trăm tên hầu, miền Triết Giang là quê, còn tuổi xuân là trăng tròn, tôi tánh danh là Chúc Anh Đài.
Cha tôi mất đi, tuổi còn ấu thơ, mẹ già dưỡng nuôi, ngày qua ngày qua hà ha ha hà. Tuổi mộng mơ vừa đúng trăng tròn trăng hà hà há ha hà. Chuyện tình quê nhà qua ngày đủ ăn. … Tôi tên Lương Sơn Bá.
(trích Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài)
8. Xung trận
Quân ta hò reo chiến trường xa, lòng không quản ngại chi lửa binh, tai nghe tiếng kêu gọi hồn nước, thân trai bốn phương xin hiến đời cho núi sông.
Căm gan thù quân Tống tràn sang, lòng ta uất hờn sôi khí thiên, ta yêu nước non hơn cuộc sống, làm trai hiến dâng thân xác mình cho núi sông.
Thề nguyệnlòng chung sát vaichiến, xông pha ngàn lửa hồng.
Tim yêu nước ta, làm trai sao cho đáng trai.
Nước non hỡi, xin liều thân… (Trốc mã)…
Sử lưu truyền quân ta ngày xưa, thắng quân thù chiến công lừng danh. Chiến ta chiến Bạch Đằng Giang, kia xác quân thù ngàn thây phơi. Xin góp thân theo đường tiền nhân Ngô Quyền diệt trừ Hán ban, xin góp thân theo đường tiền nhân Ngô Quyền ..............................................DIỆT XÂM LĂNG.
(trích Câu thơ yên ngựa)
9. Kê toa
Dân tôi sống chuyên nghề nông dân, đồng ruộng tốt tươi lúa đơm hoa, tựa hồ như á là cõi tiên, đêm về yên vui khắp buôn làng, không có trộm cướp côn đồ.
Vui chia sớt chung cùng một niềm vui, cùng chia sớt nhau những u buồn, vai cùng chen vai lo giữ gìn nước non, vợ chồng bên nhau đến trọn đời, khi thác nguyện xuống chung mồ.
Muôn lòng Triệu dân đồng thờ vua vẫn một lòng, sa trường liều thân chí kiêu hùng, trường sa thề tiến không lùi.
Quê tôi nắng đẹp lại mây xinh, ngày lại tháng qua gió mưa hòa, cây lành ngọt sai bốn mùa tốt tươi, ân trời Triệu bang có vua hiền, dân thích người mến muôn đời.
Vua Thành Than đã soi đường ta đi, đời sau gắng công quyết theo người, thiên hòa dân an mấy lời thánh nhân, để ngàn đời sau đến muôn đời phải nhớ và nhớ muôn đời.
Mong rằng nơi nơi người trị dân chớ quên lời, theo theo lời Thành Than chúng dân nhờ ân đức nhuần ca thái an muôn đời.
(trích Xa Phu Đi Xứ)
10. Thúy Kiều – Từ Hải
(Bệ Hạ) Xin thánh quân theo thần dân dời gót. Long bào nên cởi rồi trao cho chàng. Tìm đường đào vong thoát nơi hang hùm, trở về triều ca Thánh Quân an toàn, đừng để lũ sói lang xúc phạm thân rồng.
Ta chẳng lo bởi vì ta là Hạng Võ. Lũ giặc nghe tên là phải rụng rời. Ngàn đời Hạng Vương Sở bang oai hùng, lục thần gồm thâu tám trăm chư hầu, thì giặc cỏ kia đâu có ăn thua gì.
Vì ta để lụy phiền nên hai khanh vươn lấy tai nạn. Một mai ta thoát nguy, nơi vương triều ban tước công hầu. Bằng như thác chín sông, xin kiếp sau đền ơn....
(trích Tỉnh giấc liêu trai)
Nguyên Tài Tử (sưu tầm và biên soạn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét