Thứ Hai, 14 tháng 11, 2016

ĐÀN TRANH




Đàn tranh, cũng được gọi là đàn thập lục, là nhạc cụ của người Việt (Kinh). Đàn thuộc họ dây chi gảy. Vì có 16 dây nên đàn còn có tên chữ là Thập lục.Âm sắc Đàn Tranh trong trẻo, sáng sủa thể hiện tốt các điệu nhạc vui tươi, trong sáng. Đàn Tranh ít thích hợp với những tính cách trầm hùng, khoẻ mạnh. Tầm âm Đàn Tranh rộng 3 quãng 8, từ Dô lên Dô3.Đàn Tranh thường được sử dụng để độc tấu, hòa tấu, đệm cho ngâm thơ, hát, tham gia trong các dàn nhạc Tài Tử, phường Bát Âm, dàn Nhã Nhạc và các dàn nhạc dân tộc tổng hợp.
Theo giáo sư tiến sĩ Trần Văn Khê: Nguồn gốc Đàn Tranh Việt Nam là đàn "Tranh" giống như đàn "Sắt" từ Trung Quốc truyền sang nước Việt có thể từ đời Trần hay trước nữa, dùng trong dân dã dưới dạng 9 dây, 15 dây, 16 dây và từ xưa đến giờ thay đổi số dây từ dây tơ sang dây cước (dây đồng) đến dây thép. Nhưng qua 7, 8 thế kỷ, người nước Việt dùng nó, tạo cho nó một phong cách đặc thù trong thủ pháp, ngón đàn, tay nhấn nhá, trong thang âm điệu thức. Đàn tranh đã thành nhạc cụ hoàn toàn mang tính dân tộc Việt Nam vì đã được người Việt ưa dùng, truyền từ đời này đến đời kia hằng 7-8 trǎm nǎm, phù hợp với quan điểm thẩm mỹ của người Việt, và nói rõ ngôn ngữ âm nhạc Việt Nam.
Cẩm sắt là mỹ danh của cây đàn Sắt. Sắt là đàn làm bằng gỗ ngô đồng, song tấu với đàn Cầm. "Duyên cầm sắt", "sắt cầm hảo hợp" là từ đây mà ra.Theo truyền thuyết, theo lệnh vua Phục Hy, Tố Nữ gẩy đàn Sắt (gồm 50 dây) tế trời . Nhưng Phục Hy không bằng lòng và ngăn cấm sử dụng vì nghe tiếng đàn quá tê tái , não nuột bi ai thảm thiết. Nhưng thấy dân chúng vẫn lén lút xử dụng nên Phục Hy đành phải ra lệnh sửa đổi đàn Sắt chỉ còn lại 25 dây. Nghe đồn đàn Sắt là tổ tiên của đàn Tranh. Cái tên "Tranh" tức là "tranh giành", theo như một truyền thuyết nói rằng: Ngày xưa có hai người tranh nhau một cây đàn Sắt có 25 dây. Mông Điềm, một vị quan thời nhà Tần, mới chặt cây đàn sắc ra làm hai, một cây đàn 12 dây và một cây đàn 13 dâỵ Một thuyết khác nói rằng dưới thời nhà Tần có hai chị em nhà kia tranh nhau một cây đàn sắc có 25 dây. Dành qua dành lại, cây đàn rớt xuống bể làm hai. Người chị lấy cây đàn có 13 dây, còn người em lấy cây đàn 12 dây.


Về cấu trúc, Đàn tranh bao gồm những bộ phận sau:
Hộp đàn: Hình hộp dài, chiều dài khoảng 110cm, đầu đàn hẹp khoảng 13cm, cuối đàn rộng khoảng 20cm.
Mặt đàn: Mặt đàn Tranh vồng lên tượng trưng cho vòm trời làm bằng gỗ xốp, nhẹ . Loại gỗ thường làm mặt Đàn Tranh là gỗ Ngô Đồng.
Thành đàn: Làm bằng gỗ trắc, mun hoặc cẩm lai hoặc gỗ gụ
Ðáy đàn: Dưới đáy đàn ở đầu rộng, phía tay phải người đánh đàn có một lỗ thoát âm hình bán nguyệt để lắp dây, ở giữa đàn có 1 lỗ hình chữ nhật để cầm đàn khi di chuyển và ở đầu hẹp có một lỗ tròn nhỏ để treo đàn.
Cầu đàn: Ở đầu rộng, một cầu đàn bằng gỗ, hơi nhô lên và uốn cong theo mặt đàn có các lỗ nhỏ xếp hàng ngang có nạm hoặc cẩn kim loại để xỏ dây.
Ngựa đàn: Trên mặt đàn có nhạn (ngựa đàn) tương ứng với số dây, các con nhạn để đỡ dây đàn và có thể di chuyển được để điều chỉnh độ cao thấp của dây. Để có độ bền và âm thanh tốt, các con nhạn  thường làm bằng gỗ trắc hoặc cẩm lai. Đầu các con nhạn ở vị trí đỡ các dây đàn thường được gắn thêm xương hoặc đồng.
Trục đàn: Ở đầu hẹp đàn Tranh có các trục đàn để lên dây, trục đàn đặt trên mặt đàn còn để giữ một đầu dây xếp hàng chéo do độ ngắn dài của dây, tạo âm thanh cao thấp, trục đàn tốt thường được làm bằng gỗ Trắc, gôc Cẩm Lai hoặc gỗ gụ.
Dây đàn: Dây đàn bằng thép hoặc inox với các cỡ dây khác nhau để phù hợp với tầm âm của cây đàn.


Móng gảy: Ðàn Tranh đàn bằng móng gảy thường được làm bằng đồi mồi, Inox.

                                         Trần Hoàng Sưu tầm

Thứ Hai, 7 tháng 11, 2016

ĐÀN NGUYỆT (ĐÀN KÌM)




Đàn Nguyệt (Nguyệt Cầm), trong miền Nam còn gọi là Đờn Kìm, Vọng Nguyệt Cầm, hay Quân Tử Cầm là nhạc cụ dây gảy của dân tộc Việt. Loại đàn này có hộp đàn hình tròn như mặt trăng được gọi là “Đàn Nguyệt”. Theo sách xưa, đàn nguyên thủy có 4 dây, sau rút lại còn 2 dây. Sách của Phạm Đình Hổ ghi rằng đàn nguyệt xuất hiện ở Việt Nam vào thế kỷ 18.
Đàn Nguyệt là cây đàn rất phổ biến dùng để độc tấu, hòa tấu với nhiều ngón chơi độc đáo như ngón nhấn, ngón vê, ngón luyến… Màu âm đàn Nguyệt tươi sáng, rộn ràng, tình cảm, đa dạng trong diễn tả các trạng thái cảm xúc âm nhạc. Đàn Nguyệt được sử dụng trong hát Chèo, Chầu Văn, Ca Huế, Đờn Ca Tài Tử và Cải Lương…
Đàn nguyệt có những bộ phận chính như sau:
Bầu vang: Bộ phận hình tròn ống dẹt, đường kính mặt bầu 30 cm, thành bầu 6 cm. Nền mặt bầu vang có bộ phận nằm phía dưới gọi là ngựa đàn (cái thú) dùng để mắc dây. Bầu vang không có lỗ thoát âm.
Cần đàn (hay Dọc đàn): làm bằng gỗ cứng, dài thon mảnh, bên trên gắn 8-11 phím đàn, trước đây chỉ gắn 8 phím (nay những người chơi nhạc tài tử Nam bộ vẫn thường dùng đàn 8 phím). Những phím này khá cao, nằm xa nhau với khoảng cách không đều nhau.
Đầu đàn: hình lá đề, gắn phía trên cần đàn, nó có 4 hóc luồn dây và 4 trục dây, mỗi bên hai trục.
Dây đàn: có 2 dây, trước đây làm bằng dây tơ, ngày nay thường làm bằng dây nilon. Tuy có 4 trục đàn nhưng người ta chỉ mắc 2 dây (một dây to một dây nhỏ). Cách chỉnh dây thay đổi tùy theo người sử dụng. Có khi 2 dây cách nhau quãng 4 đúng, có khi cách quãng năm đúng hoặc quãng bảy hay quãng tám đúng. Song cách thông dụng nhất vẫn là lên dây theo quãng năm đúng. Đàn nguyệt là nhạc cụ khảy dây, được dùng thường xuyên trong ban nhạc chầu văn, tài tử, phường bát âm và trong nhiều dàn nhạc dân tộc khác.
Nhìn chung đàn nguyệt có âm sắc trong sáng, ở khoảng âm thấp thì hơi đục. Nó có thể diễn đạt nhiều sắc thái tình cảm khác nhau, từ dịu dàng, mềm mại đến rắn rỏi, rộn ràng. Ngày xưa người biểu diễn nuôi móng tay dài để khảy đàn nguyệt, ngày nay miếng khảy đàn đã giữ nhiệm vụ này. Một số kỹ thuật sử dụng tay phải trong đàn nguyệt như sau:
Ngón phi: lối đánh cổ truyền, không dùng miếng khảy mà sử dụng những ngón tay vẩy liên tiếp nhanh trên dây đàn, hiện quả âm thanh gần giống như ngón vê. Ngón phi có hai cách diễn:
Phi lên: thường sử dụng trên một dây đàn, bắt đầu từ ngón út rồi lần lượt những ngón khác hất vào dây đàn.
Phi xuống: sử dụng trên cả 1 dây đàn hoặc trên cả 2 dây. Phi xuống là vẫy nhanh các ngón tay vào dây đàn, bắt đầu từ ngón út (có khi bắt đầu từ ngón trỏ) rồi lần lượt những ngón khác khảy dây đàn.
Khi biểu diễn ngón phi người ta dùng 4 ngón tay (không sử dụng ngón tay cái). Nếu đánh bằng miếng khảy đàn họ chỉ sử dụng 3 ngón vì ngón cái và ngón trỏ phải giữ miếng khảy.
Ngón vê: khảy liên tiếp trên dây đàn. Kỹ thuật này thường dùng trong nhạc hát văn. Cách vê có thể bằng móng tay hay miếng khảy, vê 1 dây hoặc 2 dây đều được.
Ngón gõ: dùng những ngón tay phải gõ vào mặt đàn, mục đích để báo hiệu cho hát, cho các nhạc khí khác hòa tấu hoặc điểm giữa những nhạc cụ, đoạn nhạc hay những lúc các nhạc cụ khác ngưng hoạt động.
Bịt: làm âm thanh vừa vang lên liền tắt đột ngột. Kỹ thuật sử dụng tay trái trong đàn nguyệt gồm có 12 cách: ngón rung, ngón nhấn, ngón nhấn luyến, nhấn luyến, ngón láy, ngón láy rền và ngón láy giật. Trước đây người ta ít sử dụng ngón vuốt, nhưng ngày nay có thể xem nó là kỹ thuật số 9 của tay trái. Kế tiếp là ngón bật dây, âm bội và đánh chồng âm (hợp âm).


Đàn nguyệt được dùng để biểu diễn các thể loại nhạc dân ca của Việt Nam. Trong ban nhạc “Ngũ tuyệt” của nhạc thính phòng cổ truyền thì đàn nguyệt đóng vai trò điều khiển. Bốn nhạc cụ kia trong dàn nhạc gồm có đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn nhị, đàn tam và ống sáo. Đàn nguyệt cũng giữ vai trò tối trọng yếu trong nhạc chầu văn.


Dân tộc Khmer có Ðàn Chạpet tương tự như Đàn Nguyệt của dân tộc Việt Nam, nhưng cách đánh của họ không có nhấn luyến.
                                                                            Hoàng Trần sưu tầm

ĐÀN BẦU



  Cũng như hầu hết các nhạc khí khác của Việt Nam, đàn bầu không biết do ai sáng chế, và xuất hiện từ thời kỳ nào. Dựa vào chuyện kể của GS Trần Văn Khê, thầy nói rằng trong 1 bài tham luận về đàn bầu nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khóat, đọc tại Bulgary nhân dịp Liên Hoan Âm Nhạc Dân Gian. Chúng tôi tóm tắt lại như sau (người sưu tầm tóm tắt):

                 Tương truyền ngày xưa có một người tên là Trương Viên cùng các trai tráng lên đường chống giặc. Trước khi đi, chàng căn dặn vợ, nếu chẳng may loạn lạc khắp nơi, thì hãy dẫn mẹ trở về quê lánh nạn. Chiến tranh càng ngày càng khốc liệt, vợ Trương Viên phải dắt mẹ trở về quê. Trên đường đi vất vả, cực khổ, nhiều khi nàng nhịn đói để nhường cơm cho mẹ. Vào một buổi sáng, hai người đang ngang qua một ngôi làng nọ, đột nhiên được người dân đón tiếp và cho ăn. Rồi sau đó, nàng thay mẹ bị mốc mắt để tế hung thần nơi ấy. Vì cảm động lòng hiếu thảo của nàng, Tiên trên trời ban cho nàng cây đàn một dây, dặn rằng: "Cây đàn này sẽ giúp con nuôi được mẹ và sau này gia đình con sẽ được đoàn tụ." Hai mẹ con đánh đàn để mưu sinh. Chiến tranh kết thúc, Trương Viên vội vã đi kiếm mẹ và vợ, khi đi ngang ngôi làng đó, chàng hỏi thăm và được mọi người thuật lại. Chàng tiếp tục tìm và bỗng dưng nghe thấy tiếng đàn rất lạ, rồi lại thấy một đám đông đứng chen chúc nhau, hình như họ đang bị quyến rũ bởi tiếng đàn đó. Hiếu kỳ, Trương Viên lách vào coi, thì giật mình nhận ra vợ mình đang đàn 1 cây đàn lạ, còn mẹ đang ngồi ngã nón xin tiền. Trương Viên mừng rỡ, ôm chầm lấy mẹ và vợ, cả ba người khóc như mưa. Vợ ông vì quá tủi thân nên khóc đến mức máu chảy ra từ mặt và đột nhiên mắt nàng sáng trở lại.
                 Mặc dầu đây chỉ là một truyền thuyết, nhưng khi một nhạc khí mà đã có được một truyền thuyết lưu truyền rộng rãi trong dân gian như thế đủ chứng tỏ rằng nhạc khí đó được yêu thích biết bao nhiêu. Vì đàn bầu xuất phát từ dân gian, nên ít được nhắc đến trong sách sử. Phải đợi tới thời Vua Thành Thái, đàn bầu mới được thay thế đàn tam trong ngũ tuyệt tranh-tỳ-nhị-nguyệt và bầu. Tuy vây, trong sách Kiến Văn Tiểu Lục, Lê Quí Đôn có ghi lại rằng sứ nhà Nguyên khi sang nước Việt có nói đã thấy cây đàn 1 dây tại nước Việt.
                 Mô tả đàn bầu: Đàn bầu là loại đàn hình hộp chữ nhật, 1 đầu to, 1 đầu nhỏ hơn 1 chút, thường dài khoảng 110cm, bề ngang khoảng 12.5cm, đầu nhỏ khoảng 9.5cm, cao khoảng 10.5cm. Mặt đàn và đáy đàn bằng gỗ ngô đồng, hoặc gỗ thông hay gỗ tung. Mặt đàn hơi cong lên 1 chút, đáy đàn phẳng có 1 lỗ nhỏ để treo đàn, 1 hình chữ nhật ở giữa để cầm đàn,và 1 khoảng trống để cột dây đàn. Thành đàn bằng gỗ cứng như cẩm lai, hoặc mun để cho chắc chắn và vò thể cẩn ốc được. Trên thành đàn phía tay mặt người khảy đàn có 1 miếng xương hoặc kim loại nhỏ gọi là ngựa đàn, qua ngựa đàn, sợi dây thép dầy khoảng 40mm được luồn xuống và cột vào cái trục xuyên qua thành đàn gọi là cái trục lên dây đàn, trục này đẹp vì nó được dấu phía sau thành đàn, nhưng rất dễ tuột dâym vì vậy ngày nay người ta dùng khóa sắt cho chắc hơn. Về phía tay trái người đàn, có 1 cần dây đan còn gọi là vòi đàn trên đó gắn nửa trái bầu khô hoặc tiện bằng gỗ, 1 đầu dây đàn cột vào cần khoảng giữa bầu đàn. Ngoài ra, để tăng âm lượng tiếng đàn, người ta lắp mobin điện vào dưới mặt đàn, đồng thời phải khoét 1 lỗ cắm dây zắc dẫn tín hiệu rung của dây vào bộ phận tăng âm. Chính vì xài điện nên dây đàn phải dùng dây bằng thép thay vì bằng inox.
                 Cách cột dây đàn: Cột dây đàn bầu tương đối khó nên chúng ta xem qua cách cột dây 1 chút.
                 Que khảy đàn: Đây là một bộphận quan trọng dể khảy đàn bầu, Que thường được vót bằng tre, bằn ggiang, bằng thân dừa, gỗ mềm mại hơn, người ta hay làm bông boặc tưa đầu nhọn 1 chút. Ngày xưa hay dùng que dài khoảng 10cm, ngày nay với nhiều kỹ thuật diễn tấu nhanh nên người ta hay dùng que ngắn chừng 4-4.5cm.
                 Các tư thế diễn tấu: Thông thường nhất là đàn bầu đặt trên 1 cái bàn nhỏ (thường là hộp đàn có lắp 4 chân rời, trên mặt giá có 2 chỗ chặn để khi kéo dây, đàn khôn gbị di chuyển theo). Khi ngồi khoanh chân trên chiếu để đàn thì đầu gối chân mặt phải tì vào cạnh mặt đàn nhằm giữ cho cây đàn khỏi bị xê dịch. Cũng có thể đứng đàn, nhưng không đẹp và cây đàn không được vững bằng cách ngồi.
                 Cách cầm que đàn: Que đàn được đặt trên 2 đốt ngón tay trỏ và giữa của bàn tay mặt, còn đốt thứ 1 của ngón cái thì giữ que đàn, đầu nhỏ của que thường nhô ra khoảng 1.5cm. Hai ngón còn lại thì hơi cong theo ngón trỏ và giữa. Khi khảy dây ta đặt cạnh bàn tay vào điểm phát ra bội âm, hất nhẹ que đàn cùng llúc nhấc bàn tay lên, ta sẽ có được âm bội.
                 Cách xác định điểm trên đàn: Nếu gọi dây buông là nốt C thì nếu chia dây từ cần đàn đến ngựa đàn:
1/2 dây có nốt C1 cao hơn dây buông 1 quãng 8
1/3 dây sẽ là nốt G1
1/4 ta sẽ có nốt C2
1/5 dây sẽ có E2
1/6 dây sẽ có nốt G2
1/7 dây sẽ là nốt Bb. Nhưng nốt này ít được sử dụng.
1/8 sẽ có nốt C3
                 Tóm lại, sáu điểm trên đàn la C1 – G1 – C2 – E2 – G2 – C3 là 6 diểm thông dụng nhất. Ngoài ra ta có âm thực tức là khảy dây buông, thường khảy gần ngựa đàn chứ không khảy vào các điểm đã ghi. Bây giờ, trên 7 âm thanh này, nếu vài kỹ thuật tay trái như căng dây hoặc chùng dây, ta sẽ tạo được rất nhiều âm thanh khác nữa.
Nếu chỉ dừng lại ở chỗ tạo ra những âm thanh rời rạc thì đàn bầu chẳng thể làm cho ta mê mẩn hay xúc động được. Vậy đàn bầu hay ở chỗ nào? Chúng ta cũng thấy rằng chính những kỹ thuật của tay trái đã nuôi dưỡng và làm đẹp âm thanh, cho âm thanh một hơi thở, một sinh khí, một cái hồn. Những kỹ thuật đó là gi? Xin chúng ta cùng tìm hiểu.

                 Cách đặt tay trái trên cần đàn:
                 Ngón rung: Khi khảy dây, các ngón tay trái rung nhẹ cần đàn, âm thanh sẽ phát ra tự như làn sóng thì ta có ngón rung. Ngón rung rất quan trọng vì không những nó làm cho tiếng đàn mềm mại mà nó còn thể hiệnphong cách của bản nhạc. Với các bài buồn, hoặc bài vui, ta phải rung theo những âm đã được qui định.
                 Ngón vỗ: Vỗ ngón cái, vỗ nón trỏ. Theo nghệ sĩ ưu tú Thanh Tâm thì ngón vỗ thường diễn tả tình cảm đau khổ, uát ức, nghẹn ngào.
Ngón vuốt: miết ngón tay vào cần đàn để cao độ trượt qua các âm và dừng lại ở âm qui định.
                 Ngón luyến: kéo thẳng cần lên hoặc xuống tới âm qui định
                 Ngón tạo tiếng chuông: Nón tạo âm bội trên âm bội có sẵn. v.v.
                                                                             Hoàng Trần sưu tầm

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2016

ĐEM ÂM NHẠC DÂN TỘC ĐẾN VỚI TÂN SINH VIÊN

(Giaidieuphuongnam) - Tưng bừng trong ngày hội chào đón tân sinh viên, câu lạc bộ Giai điệu phương Nam trực thuộc Nhà văn hóa sinh viên TP.HCM, một trong những gian hàng của ngày hội đã tổ chức “Sân chơi Âm nhạc dân tộc” vào ngày 30/10, tại Khu A – Ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM (Khu phố 6, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh).

Trong ngày hội, CLB Giai điệu phương Nam là một trong 8 gian hàng mà các bạn tân sinh viên phải vượt qua để lấy phiếu thông hành vượt trạm “Sân chơi Âm nhạc dân tộc”.

Đến với sân chơi, các bạn sinh viên phải vượt qua trạm bằng cách sẽ hát 1 bài hát trong 8 bài điệu Lý mà Ban tổ chức lựa chọn. Khi các bạn hát xong sẽ có 4 giám khảo sẽ nhận xét từng người chơi. Nếu đạt thì sẽ được qua trạm tiếp theo, ngược lại thì các bạn sinh viên sẽ phải tập hát đến khi nào đạt mới được qua trạm.


Đặc biệt trong sân chơi âm nhạc, những bạn nào hát hay đã được CLB Giai điệu phương Nam dành cho  phần quà đặc biệt đó là những cây sáo trúc và song lang của câu lạc bộ.

Dưới đây là một số hình ảnh hoạt động của CLB trong ngày hội:

Bạn Trần Hoài Thương - Chủ nhiệm CLB thông báo thể lệ sân chơi cho các bạn sinh viên. Ảnh: Thùy Linh

Mở đầu sân chơi là màn trình diễn của các thành viên trong CLB Giai điệu phương Nam. Ảnh: Thùy Linh

Các bạn sinh viên nhận những bài hát điệu Lý chuẩn bị thể hiện tài năng của mình. Ảnh: Thùy Linh

Một chút tự sướng với nhau để vào cuộc thi. Ảnh: Thùy Linh

Một bạn sinh viên nữ đang trình diễn bài Lý của mình trước ban giám khảo. Ảnh: Thùy Linh

Và dây là phần thưởng đặc biệt của CLB cho các thí sinh hát hay nhất. Ảnh: Thùy Linh

Những bạn hát chưa đạt sẽ tiếp tục luyện hát tiếp với ban giám khảo đến khi nào nhận được sự đồng ý qua  trạm. Ảnh: Thùy Linh


TƯỜNG LONG